Win Real > Góc chia sẻ > Nghề sale BĐS > Xin giấy phép xây dựng ở đâu, cần chuẩn bị những loại giấy tờ gì?

Hiện nay, một trong những bước đầu tiên cũng là bước tiên quyết để công trình có thể được đưa vào xây dựng đó chính là xin giấy phép xây dựng công trình. Vậy xin giấy phép xây dựng ở đâu, cần chuẩn bị những loại giấy tờ gì? Đây có lẽ là băn khoăn vướng mắc của nhiều người hiện nay khi có nhu cầu xây dựng công trình. Để có thể giúp các bạn tiết kiệm được thời thời gian công sức trong việc chuẩn bị hồ sơ xin cấp phép xây dựng, công ty bđs đà nẵng King Real xin giải đáp những thắc mắc đó ngay trong bài viết dưới đây.

Xin giấy phép xây dựng ở đâu, cần chuẩn bị những loại giấy tờ gì?
Xin giấy phép xây dựng ở đâu, cần chuẩn bị những loại giấy tờ gì?

Xin giấy phép xây dựng ở đâu, gồm những thủ tục gì?

Sau đây là trình tự, thủ tục nộp hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng công trình:

  • Bước 1: Nộp 01 hồ sơ tại UBND cấp huyện nơi chuẩn bị xây dựng công trình và muốn xin giấy phép xây dựng.
  • Bước 2: Bộ phận tiếp nhận hồ sơ sẽ kiểm tra hồ sơ, nếu như hồ sơ chưa đầy đủ thì họ sẽ yêu cầu người sử dụng đất bổ sung thêm giấy tờ cần thiết, nếu hồ sơ đã đầy đủ thì viết giấy biên nhận cho người sử dụng đất. Trường hợp cần phải xem xét thêm thì cơ quan cấp giấy phép xây dựng đó sẽ thông báo bằng văn bản cho người sử dụng đất biết lý do, sau đó báo cáo cho cấp có thẩm quyền quản lý trực tiếp để xem xét và chỉ đạo thực hiện.
  • Bước 3: Tiếp theo, người sử dụng đất tới nơi tiếp nhận hồ sơ theo thời gian đã ghi trong giấy biên nhận để nhận kết quả và nộp những lệ phí theo quy định. Người sử dụng đất sẽ nhận được giấy phép xây dựng kèm theo hồ sơ thiết kế có đóng dấu xác nhận của cơ quan cấp giấy phép xây dựng hoặc nhận văn bản trả lời đối với những trường hợp không đủ điều kiện để cấp giấy phép xây dựng công trình.

Có thể bạn sẽ quan tâm: Khu đầm sen Nam Hòa Xuân City – Vị trí vàng nâng tầm giá trị

Thời gian giải quyết hồ sơ cấp giấy phép xây dựng nhà ở:

Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ và xuất giấy biên nhận, cơ quan có thẩm quyền cần phải tiến hành xem xét hồ sơ và cấp giấy phép trong thời hạn 15 ngày đối với nhà ở riêng lẻ tại đô thị, 10 ngày làm việc đối với nhà ở khu vực nông thôn.

Trường hợp đã đến thời hạn cấp giấy phép xây dựng tuy nhiên cần phải xem xét thêm thì cơ quan cấp giấy phép xây dựng đó sẽ thông báo bằng văn bản cho người sử dụng đất biết lý do, đồng thời báo cáo lên cấp có thẩm quyền quản lý trực tiếp để xem xét và chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên không được quá 10 ngày tính từ ngày hết hạn ( Điều 102 Luật xây dựng 2014).

Trình tự xin giấy phép xây dựng
Trình tự xin giấy phép xây dựng

Hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng gồm những loại giấy tờ gì?

Căn cứ vào Khoản 1 điều 95 bộ Luật xây dựng 2014 quy định về hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng nhà ở như sau:

1. Đơn xin cấp giấy phép xây dựng theo Mẫu số 01.

2. Một trong những loại giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo đúng quy định luật đất đai.

3. 02 bộ bản vẽ thiết kế xây dựng công trình kèm theo Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy kèm theo bản vẽ thẩm định trong trường hợp pháp luật về phòng cháy, chữa cháy yêu cầu, báo cáo kết quả thẩm định thiết kế xây dựng trong trường hợp pháp luật xây dựng có yêu cầu, gồm:

  • Bản vẽ mặt bằng công trình trên lô đất kèm theo sơ đồ vị trí của công trình đăng ký xây dựng.
  • Bản vẽ mặt bằng các tầng, các mặt đứng và mặt cắt chính của cả công trình xây dựng.
  • Bản vẽ mặt bằng móng và mặt cắt móng kèm theo sơ đồ đấu nối các hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài công trình gồm cấp, thoát nước và cấp điện.

4. Trường hợp có công trình liền kề thì phải có bản cam kết bảo đảm an toàn đối với những công trình liền kề đó.

Một số giấy tờ bổ sung trong những trường hợp cụ thể:

  • Trường hợp công trình xây dựng phải được thẩm định thiết kế: Bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp chính báo cáo kết quả thẩm định thiết kế của cơ quan có chuyên môn về xây dựng.
  • Trường hợp công trình xây chen hoặc có tầng hầm: Bản sao hay tệp tin chứa bản chụp chính văn bản bản cam kết của chủ đầu tư công trình về việc bảo đảm an toàn cho công trình liền kề.
  • Trường hợp công trình chưa được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định bản thiết kế: Bản sao hoặc phần tệp tin có chứa bản chụp chính bản kê khai năng lực, kinh nghiệm của tổ chức, cá nhân thiết kế công trình theo mẫu, kèm theo bản sao chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng.
Hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng
Hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng

Những trường hợp nào không cần phải xin giấy phép xây dựng?

Khoản 2, điều 89 Luật xây dựng năm 2014 đã quy định rõ những trường hợp công trình được miễn giấy phép xây dựng bao gồm:

a) Công trình bí mật nhà nước, những công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp và công trình nằm trên địa bàn của 2 đơn vị hành chính từ cấp tỉnh trở lên.

b) Công trình thuộc những dự án đầu tư xây dựng được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng hoặc Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định đầu tư.

c) Công trình xây dựng tạm để phục vụ cho việc thi công xây dựng công trình chính.

d) Công trình xây dựng theo tuyến ngoài đô thị tuy nhiên phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đồng ý phê duyệt hoặc đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận về hướng tuyến của công trình.

đ) Công trình xây dựng thuộc các dự án khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao có quy hoạch chi tiết là 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê chuẩn và được thẩm định thiết kế xây dựng theo đúng quy định của Luật này.

e) Nhà ở thuộc các dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở có quy mô dưới 7 tầng và có tổng diện tích sàn dưới 500 m2, được quy hoạch chi tiết 1/500 đã thông qua cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

g) Công trình sửa chữa, cải tạo hay lắp đặt thiết bị bên trong công trình không làm thay đổi phần kết cấu chịu lực, không làm thay đổi công năng sử dụng và không làm ảnh hưởng tới môi trường, độ an toàn công trình.

h) Công trình sửa chữa, cải tạo làm thay đổi kiến trúc mặt ngoài nhưng không tiếp giáp với đường trong đô thị có những yêu cầu về việc quản lý kiến trúc.

i) Công trình hạ tầng kỹ thuật ở khu vực nông thôn chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng và phải ở khu vực chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn được phê duyệt.

k) Công trình xây dựng ở nông thôn thuộc thuộc khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết về xây dựng được duyệt; nhà ở riêng lẻ ở nông thôn, trừ những nhà ở riêng lẻ được xây dựng trong khu bảo tồn hay khu di tích lịch sử – văn hóa.

l) Chủ đầu tư xây dựng công trình sẽ được miễn giấy phép xây dựng theo quy định tại các điểm b, d, đ và i khoản này nhưng phải có trách nhiệm thông báo thời điểm khởi công xây dựng kèm theo hồ sơ về thiết kế xây dựng đến cơ quan quản lý xây dựng tại địa phương để tiện theo dõi và lưu hồ sơ.

Trên đây là những thông tin giải đáp về xin giấy phép xây dựng ở đâu, cần chuẩn bị những loại giấy tờ gì? Mong rằng nó sẽ hữu ích và giúp các bạn tháo gỡ được những khó khăn mà mình đang gặp phải. Để biết thêm những thông tin khác về bất động sản và xây dựng thì các bạn có thể tham khảo ngay tại trang web này nhé. cảm ơn các bạn đã quan tâm và theo dõi bài viết!

Xem thêm: 8 tiêu chí quan trọng để xác định tiềm năng bất động sản đầu tư